Rụng tóc

Danh mục bài viết

Cha ông ta có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”

Rụng tóc, cụm từ này được dùng để mô tả một bệnh lý rất hay gặp ở nam giới tuổi trung niên. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cũng “khổ sở” vì mắc phải triệu chứng này, đặc biệt là trong giai đoạn mất cân bằng nội tiết tố, gặp phải trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là một trong những triệu chứng sớm của thời kỳ tiền mãn kinh mà một người phụ nữ có thể tự nhận thấy. Rụng tóc, đáng buồn lại là một trong những triệu chứng đáng thất vọng nhất của thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh, vì mái tóc phụ nữ thường được gắn với vẻ nữ tính, và còn thể hiện “cá tính” của chị em.

Hãy cùng tìm hiểu về cách thức và lý do tại sao nó xảy ra, để từ đó có thể điều trị rụng tóc thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh một cách hiệu quả. Tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về tình trạng rụng tóc, vì sao nó xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, và cách điều trị.

RỤNG TÓC – những vấn đề cần biết

Trung bình trên đầu mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc. Tóc được tạo thành chủ yếu bằng keratin, một loại protein được gọi là chất sừng có trong thành phần của các tế bào sừng; nó cũng có trong thành phần của móng tay, móng chân và cả bề mặt da của chúng ta. Trên bề mặt của da đầu, phần tóc (phần được chải hàng ngày và thiết kế theo các kiểu mẫu tóc) thực sự  chỉ là phần chất sừng do các tế bào mầm ở nang lông mà dân gian gọi là chân tóc tạo ra mà thôi. Các nang lông hay chân tóc này nằm ẩn sâu bên dưới bề mặt của da đầu. Phần có thể nhìn thấy này được gọi là thân lông hay trục tóc.

Sự phát triển bình thường của sợi tóc.

Sợi tóc trên đầu không phải tồn tại vĩnh viễn trong suốt đời sống của một người. Nó cũng có giai đoạn thoái hóa và “chết” đi. Mỗi sợi tóc, sau khi được hình thành và phát triển, có thời gian tồn tại trên da đầu khoảng từ hai đến sáu năm, trong thời gian đó nó dài ra liên tục. Giai đoạn này được gọi là thời kỳ phát triển của tóc. Hết thời kỳ này, sợi tóc sẽ ngừng phát triển. Khoảng thời gian sợi tóc ngừng phát triển sẽ kéo dài trung bình là ba tháng, khi đó tóc ngừng phát triển và cuối cùng rơi ra ngoài – RỤNG TÓC.

Kể cả ở người khỏe mạnh bình thường, mỗi ngày sẽ mất 50 – 100 sợi tóc. Số lượng mất đi sẽ lập tức được bù đắp bởi sự tiếp tục tái sinh của các nang tóc. Tuy nhiên, ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh lượng tóc mất đi nhiều hơn so với lượng tóc mới tiếp tục được phát triển.

Không phải tất cả các trường hợp bị rụng tóc đều có nguyên nhân giống nhau. Vì nó có thể được gây ra bởi một loạt các yếu tố. Khi bắt đầu xuất hiện rụng tóc, nhiều chị em rất lo sợ và bị ám ảnh với hình ảnh một “quý bà đầu trọc lốc”, hoặc điển hình hơn là hình dung ra một kiểu hói đầu điển hình của nam giới với rất ít hoặc không có tóc trên đỉnh đầu. Ở phụ nữ mãn kinh, tình trạng rụng tóc này có xu hướng riêng, với lượng tóc mất đi đồng đều toàn bộ da đầu chứ không chỉ tập trung ở một vùng hay một khu vực cụ thể nào trên đầu.

Các triệu chứng rụng tóc

Thật đơn giản, đó là khi bạn tự nhận thấy lượng tóc mất đi nhiều hơn bình thường, tóc trên đầu dần trở lên mỏng đi. Sau đây là một số biểu hiện thường gặp mà người phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh-mãn kinh mô tả lại:

  • Tóc rụng ra thành từng búi mỗi khi gội đầu
  • Tóc rụng thành từng núi tóc mỗi khi chải đầu
  • Xuất hiện những mảng nhỏ không có tóc trên da đầu
  • Da đầu có cảm giác đỏ hơn, nhờn hơn và ngứa nhiều hơn do mất tóc
  • Tóc mỏng đi thấy rõ ở các vùng trán, 2 bên thái dương và cả ở đỉnh đầu

Nếu một phụ nữ đang trải qua những triệu chứng này, có khả năng hiện tượng rụng tóc đang vượt quá số lượng bình thường. Cùng tìm hiểu để biết thêm thông tin về các loại rụng tóc cụ thể trong thời kỳ mãn kinh hoặc tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh.

NGUYÊN NHÂN RỤNG TÓC

Rụng tóc, giai đoạn tiền mãn kinh-mãn kinh, có mối liên quan chặt chẽ với sự rối loạn về hormon.

Nguyên nhân do nội tiết

Rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh thường là kết quả trực tiếp của mất cân bằng về nội tiết. Hai hormone chính có liên quan đến sự phát triển của tóc: estrogentestosterone. Loại rụng tóc phổ biến nhất ở phụ nữ mãn kinh, rụng tóc là do nồng độ estrogen giảm. Bình thường, vai trò của estrogen giúp tóc phát triển nhanh hơn và tồn tại lâu hơn, làm cho mái tóc dày hơn, khỏe mạnh hơn.

Sự thay đổi về nồng độ estrogen không phải là loại hormon duy nhất gây ra rụng tóc mãn kinh. Androgen, hoặc kích thích tố nam, thường tăng khi nồng độ estrogen giảm. Điều này gây rụng tóc androgenic, một dạng rụng tóc khác. Một hormon androgen được gọi là dihydrotestosterone (DHT) dường như liên kết với các nang tóc và buộc chúng đi vào giai đoạn “nghỉ ngơi” hoặc ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Điều này khiến cho tóc thay mới mọc mỏng hơn mỗi chu kỳ phát triển của tóc và đẩy nhanh lượng tóc cũ mất đi. Ngoài ra một loại Androgen khác, Testosterone lại làm teo và thoái hóa các nang tóc (chân tóc) và gây rụng tóc nhưng nhưng chủ yếu testosterone lại làm phát triển các lông vùng mặt, quanh ria mép.

Không phải chỉ do nội tiết tố có thể gây giảm “sản xuất” tóc trong thời kỳ mãn kinh; cũng có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến rụng tóc. Tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về các nguyên nhân khác gây rụng tóc ít phổ biến hơn ở thời kỳ này.

Các nguyên nhân khác:

Mặc dù nguyên nhân chính gây rụng tóc thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh là do mất cân bằng nội tiết, do lượng estrogen sụt giảm. Tuy nhiên cũng còn nhiều nguyên nhân khác gây rụng tóc, chúng được xếp thành 3 nhóm chính là do bệnh lý, do yếu tố tâm lý và cả do lối sống của bạn.

Do bệnh lý

  • Có thai
  • Suy tuyến giáp
  • Hóa trị hay xạ trị trong điều trị ung thư
  • Thiếu máu
  • Các bệnh mãn tính
  • Bệnh tự miễn
  • Hồng ban

Do yếu tố tâm lý

  • Lo lắng
  • Căng thẳng cảm xúc
  • Sang chấn tâm lý
  • Trầm cảm
  • Rối loạn cảm xúc

Do lối sống/ chế độ dinh dưỡng

  • Lạm dụng vitamin A
  • Thiếu Vitamin D
  • Chế độ ăn thiếu sắt
  • Suy dinh dưỡng
  • Cơ thể suy nhược, ít tập luyện thể thao
  • Thói quen vò đầu hay dứt tóc

May mắn thay, thông qua việc tìm hiểu sâu thêm về nguyên nhân gây rụng tóc, có thể điều trị nó. Cùng tìm hiểu thêm thông tin về nguyên nhân gây rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh hoặc đọc tiếp để tìm hiểu thêm về cách khắc phục rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh.

ĐIỀU TRỊ RỤNG TÓC THỜI KỲ TIỀN MÃN KINH-MÃN KINH

Tại Việt nam chúng tôi không có số liệu cụ thể, nhưng tại Hoa Kỳ chỉ tính riêng chi phí điều trị rụng tóc mỗi năm đã là sấp xỉ 1 tỷ đô la. Thật không may, theo American Hair Loss Society (Hiệp hội rụng tóc Hoa Kỳ), 99% các phương pháp điều trị này không có hiệu quả. Đối với phụ nữ nói riêng, hầu hết chị em không muốn ngồi đó để đếm lượng tóc của họ mất đi mỗi ngày mà không hành động. May mắn thay, có những giải pháp thay thế có thể thành công cho phụ nữ bị rụng tóc đặc biệt là với phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh.

Điều chỉnh lối sống có thể mang lại những hiệu quả có lợi. Những thay đổi trong chế độ ăn uống và chăm sóc tóc có thể làm giảm bớt các triệu chứng, vì một số chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tích cực đến tốc độ phát triển của tóc. Tăng lượng protein, vitamin D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày, tất cả chúng đều có ích. Các bài tập thể dục và giảm căng thẳng như yoga hoặc thiền cải thiện sức khỏe tổng thể, và chăm sóc tóc đúng cách, không kéo hoặc xoắn tóc có thể giảm thiểu tóc rụng.

Bởi vì tỷ lệ rụng tóc cao là do giảm lượng hormone, sử dụng phương pháp điều trị thay thế giúp cân bằng mức độ hormone, chẳng hạn như bổ sung một số loại thảo dược nhất định, có thể giúp tăng trưởng tóc. Thông thường, giải pháp hiệu quả nhất và an toàn nhất là kết hợp điều chỉnh lối sống với các phương pháp điều trị thay thế này.

Đối với trường hợp rụng tóc mức độ nặng, có thể lựa chọn một số loại thuốc hoặc phẫu thuật cấy ghép tóc. Nhưng nên cẩn thận, vì các liệu pháp này có thể gây nguy hiểm và có nhiều tác dụng phụ.

Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng phụ nữ bị rụng tóc và muốn điều trị nó, hãy bắt đầu trước với thay đổi lối sống, sau đó chuyển sang các chế phẩm từ thảo dược thay thế và cuối cùng là dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu các phương pháp trên không có hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu thêm về phương pháp điều trị cụ thể cho rụng tóc trong thời kỳ mãn kinh.

 

Nguồn tham khảo:

  • National Health Service UK. (2015). Women and hair loss: coping tips. Retrieved April 14, 2016, from http://www.nhs.uk/livewell/hairloss/pages/womenandhairloss.aspx
  • National Institutes of Health. (2014). Female pattern baldness: MedlinePlus Medical Encyclopedia. Retrieved April 14, 2016, from http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001173.htm
  • National Institutes of Health. (2014). Hypervitaminosis A. Retrieved April 14, 2016, from https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000350.htm
  • Park, S.Y. et al. (2013). Iron plays a certain role in patterned hair loss. Journal of Korean medical science, 28(6), 934-938. doi: 10.3346/jkms.2013.28.6.934
  • Rasheed, H. et al. (2013). Serum ferritin and vitamin D in female hair loss: do they play a role? Skin pharmacology and physiology, 26(2), 101-107. doi: 10.1159/000346698
  • Riedel-Baima, B. & Riedel, A. (2008). Female pattern baldness may be triggered by low oestrogen to androgen ratio. Endocrine regulations, 42(1), 13-16. Retrieved from http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18333699